Tiếp theo loạt bài được in trong tác phẩm "Trên Đường Về Nhà", hôm nay chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến độc giả Phật tử khắp nơi quyển sách gối đầu giường thứ hai với tựa đề "Ứng Dụng Lời Phật Dạy" gồm 22 bài. Những ai có cơ duyên đọc qua quyển "Trên Đường Về Nhà" phát hành năm vừa qua, đều hiểu rằng không phải một sớm một chiều mà hành giả tu tập có thể về tới nhà. Đức Phật đã mất thời gian sáu năm dài tìm kiếm Pháp, trong thời gian lần mò tu tập này, có lần Ngài suýt mất mạng vì áp dụng pháp tu sai, nhưng sau cùng Ngài cũng tìm ra pháp tu đúng và thành công. Ngài đã đoạn tận lậu hoặc, xóa tan màn vô minh. Ngôi nhà Tâm Như sừng sững hiện ra trước mặt. Ngài đã trở về trước cửa và bước vô ngôi nhà xưa đó, tự biết mình đã thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, đắc quả Vô thượng Chánh giác. Những trải nghiệm thực chứng trên thân, tâm và trí tuệ tâm linh của Ngài đã mở ra một khung trời giác ngộ bao la, vĩ đại. Chứng ngộ rồi, Ngài bước ra ngoài, mang ánh sáng từ bi trí tuệ của đạo Phật, đi khắp nơi trên đất Ấn cổ xưa, hoằng dương chánh pháp suốt 45 năm. Ngài nhập Niết-bàn lúc 80 tuổi, để lại một gia tài Phật học đồ sộ cho nhân loại. Gia tài Pháp bảo đó, tính đến nay đã hơn 26 thế kỷ vẫn còn được nhiều người quan tâm nghiên cứu học hỏi. Đặc biệt những người tu học theo đạo Phật, dù được thừa hưởng gia tài Pháp bảo đó, nhưng với căn cơ của người phàm phu, hữu học, cả đời này, chúng ta khó mà liễu tri trọn vẹn... Cho nên, tùy theo khả năng và nghiệp thức của mỗi người, chúng ta tự chọn một số bài học nào đó trong mấy chục ngàn bài pháp đức Phật để lại trong kinh Nikãya để tìm hiểu và thực hành. Những bài chúng tôi chọn giới thiệu trong quyển "Ứng Dụng Lời Phật Dạy" chính là những bài giảng thiết thực của đức Phật gần gủi với chúng ta nhất!
Những ai tu học Phật đều hiểu là chúng ta phải trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, tìm hiểu ý nghĩa những lời Phật dạy, tìm xem bài kinh đó muốn truyền đạt thông điệp gì đến người học, giai đoạn này gọi là "Pháp học". Hiểu lời Phật dạy rồi phải thực hành, ứng dụng những lời Phật dạy đó vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Sự thực tập này gọi là "Pháp hành". Và giai đoạn thứ ba là "Phản quan tự kỷ" nghĩa là quan sát kiểm điểm lại xem "sự thành tựu" của pháp học, pháp hành, ảnh hưởng trên thân tâm của mình như thế nào, đạt thành quả tốt hay xấu, từ đó mình tự điều chỉnh kỹ thuật thực hành.