Giới cầm bút Việt Nam ít viết hồi ký. Ở hải ngoại càng ít viết. Cuốn sách này được viết với một tham vọng duy nhất: Ghi lại những cái tầm thường nhất trong đời sống văn học, từ chuyện làm báo đến viết sách, từ chuyện nhuận bút đến tiền bản quyền cho các cuốn sách tiếng Việt và tiếng Anh. Quan trọng nhất, nó ghi lại những thao thức và trăn trở, thường nhuốm vị ngậm ngùi, của một cây bút sống và viết ở một nơi xa lắc ngoài quê hương.
Cuốn sách kết thúc bằng đoạn:
"Phần tôi, mặc dù sống ở ngoại quốc đã gần 40 năm, vẫn chủ yếu viết bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là quê hương của tôi. Các thứ tiếng khác chỉ là những cõi lưu đày, ở đó, tôi không có quá khứ, cũng không có họ hàng. Tiếng Việt còn là thân thể của tôi. Khác với tất cả các ngôn ngữ khác mà tôi biết, cảm xúc của tôi đối với tiếng Việt, và chỉ với tiếng Việt, là những cảm giác mang tính vật lý, thậm chí, nhục thể để tôi có thể run lên với chữ, phập phồng thở với từng thanh bằng thanh trắc. Viết tiếng Việt, với tôi, là tham gia vào một cuộc giao hoan. Lặng lẽ và cô độc."
Cuốn sách gồm 11 chương:
1. MỞ Sống và viết như những người lưu vong
2. Đường vào văn học
3. Lộc văn
4. Làm báo và xuất bản
5. Viết sách
6. Những cuộc bút chiến
7. Đời đi dạy
8. Bạn văn
9. Không được nhập cảnh vào Việt Nam
10. Lại bị cấm nhập cảnh
11. ĐÓNG: Vấn đề bản sắc của người cầm bút lưu vong